23/05/2017
Thiếu Vitamin A ở trẻ em
Vitamin A là một trong 3 loại vi chất (iốt, vitamin A, sắt) quan trọng vì thiếu hụt các vi chất này đã và đang trở thành vấn đề cấp thiết đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. Thiếu vitamin A là một bệnh thiếu dinh dưỡng thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi, là nguyên nhân chính gây ra một số bệnh nghiêm trọng ở trẻ em như: mù lòa, Tiêu chảy, chậm phát triển tinh thần và vận động, nguy cơ gây thấp còi và hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nguy hiểm hơn có thể dẫn tới tử vong ở trẻ.
Nguyên nhân thiếu vitamin A:
Do khẩu phần ăn bị thiếu hụt vitamin A: Trẻ em trong giai đoạn ăn bổ sung với một chế độ ăn nghèo thức ăn động vật, rau xanh quả chín (chứa nhiều tiền vitamin A (caroten). Thiếu dầu mỡ trong khẩu phần làm giảm hấp thu vitamin A. Tập quán cho trẻ ăn bổ sung chỉ có bột gạo, đường hoặc muối dẫn tới thiếu vitamin A và các vi chất khác. Nhiều trẻ bị thiếu dinh dưỡng do không được bú mẹ vì sữa mẹ chứa nhiều vitamin A, thích hợp với trẻ nhỏ.
- Tình trạng nhiễm trùng đặc biệt là Sởi, viêm đường hô hấp, Tiêu chảy, nhiễm giun nhất là giun đũa cũng là các nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng thiếu hụt vitamin A.
- Suy dinh dưỡng protein năng lượng nặng thường kèm theo thiếu vitamin A vì thiếu protein ảnh hưởng tới chuyển hoá, vận chuyển vitamin A trong cơ thể. Ngoài ra, thiếu các vi chất khác như thiếu kẽm cũng ảnh hưởng tới chuyển hoá vitamin A.
Các biểu hiện khi trẻ thiếu Vitamin A:
Toàn trạng trẻ có biểu hiện mệt mỏi, kém ăn, chậm lớn, da khô, tóc dễ rụng, thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, Viêm phế quản, Viêm mũi họng…Tổn thương đặc trưng ở mắt, từ nhẹ đến nặng gồm:
- Quáng gà là triệu chứng sớm nhất của bệnh thiếu vitamin A, với biểu hiện: trẻ hay bị vấp ngã, đi quờ quạng khi chiều tối.
- Khô kết mạc: trẻ hay chớp mắt, lim dim, thường cả hai mắt, kết mạc bị xù xì, vàng, nhăn nheo, trên lòng trắng xuất hiện những đám bọt xốp màu trắng như bọt xà phòng, không thấy rõ các mạch máu.
-Vệt Bitot là những đám tế bào biểu mô kết mạc bị sừng hóa, dày lên thành từng đám và bong vảy, có màu trắng xám nổi lên bề mặt kết mạc nhãn cầu, bề mặt kết mạc phủ một chất như bọt xà phòng hoặc lổn nhổn như bã đậu, hay thấy ở kết mạc nhãn cầu sát rìa giác mạc vị trí 3 giờ và 9 giờ, thường có hình tam giác đáy quay về phía rìa giác mạc.
- Khô giác mạc trẻ có các biểu hiện: sợ ánh sáng, chói mắt, hay nheo mắt.
- Loét nhuyễn dưới 1/3 diện tích giác mạc: là tổn thương không hồi phục của giác mạc để lại sẹo giác mạc và giảm thị lực.
- Loét nhuyễn trên 1/3 diện tích giác mạc: là tổn thương rất nặng, gây hoại tử tất cả các lớp của giác mạc, phá hủy hoặc làm biến dạng nhãn cầu. Có thể toàn bộ giác mạc bị hoại tử, lộ mống mắt ra ngoài, lòi thủy tinh thể và dịch kính ra ngoài, teo nhãn cầu.
- Sẹo giác mạc: là di chứng của loét giác mạc, thường là sẹo rúm ró, màu trắng. Khô đáy mắt là tổn thương võng mạc do thiếu vitamin A mạn tính, thường gặp ở trẻ lớn, lứa tuổi đi học, kèm theo bị quáng gà.
Hậu quả của thiếu Vitamin A:
Thiếu vitamin A làm trẻ chậm lớn, nhất là ở trẻ nhỏ.
Thiếu vitamin A làm giảm sức đề kháng cơ thể đối với bệnh tật, trẻ dễ bị nhiễm khuẩn nặng, đặc biệt là các nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường tiêu hóa và Sởi. Nhiễm trùng và thiếu vitamin A là một vòng luẩn quẩn bệnh lý dẫn tới nguy cơ tử vong cao.
Ở mức độ thiếu vitamin A nặng sẽ gây nên các tổn thương ở mắt, được gọi là bệnh “Khô mắt”, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả mù vĩnh viễn.
Các biện pháp phòng chống thiếu vitamin A:
Phụ nữ khi có thai và trong thời kỳ cho con bú cần được ăn đủ lượng và chất hàng ngày, uống nước nhiều và nghỉ ngơi đầy đủ để đảm bảo con sinh ra được khoẻ mạnh. Chú ý trong thời gian 3 tháng đầu có thai, phụ nữ không được uống vitamin A liều cao vì có thể xảy ra dị dạng bẩm sinh cho thai nhi.
Cần nuôi con bằng sữa mẹ ngay từ khi mới đẻ cho đến khi trẻ được 24 tháng tuổi hoặc hơn. Từ tháng thứ 4 trở đi cần cho trẻ ăn dặm để đảm bảo thức ăn cung cấp đủ vitamin A, chất đạm và chất béo cũng như muối khoáng hàng ngày.
Vitamin A có nhiều trong các thức ăn có nguồn gốc động vật như: gan, lòng đỏ trứng, cá, sữa nhưng có rất ít trong thịt nạc. Chất tiền vitamin A có nhiều trong các loại quả, củ có màu đỏ hoặc màu vàng sẫm như: gấc, bí ngô, xoài, hồng, khoai lang nghệ, quả trứng gà… các loại rau có màu xanh sẫm như: rau ngót, rau cải, rau mồng tơi, rau dền, rau đay, rau lang, thì là, súplơ...
Khi trẻ từ 6 tháng tuổi trở đi, cần cho trẻ uống vitamin A liều cao bổ sung định kỳ 6 tháng/lần theo lịch của cơ quan y tế.
Khi phát hiện trẻ bắt đầu có các dấu hiệu thiếu vitamin A như: quáng gà, khô lòng trắng mắt... cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để khám và uống vitamin A kịp thời sẽ phòng tránh mù loà và các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.